Lạm phát của Úc đạt 6,12%, đây là mức cao nhất trong...

Lạm phát của Úc đạt 6,12%, đây là mức cao nhất trong vòng 21 năm qua

366
0
SHARE
  • Giá cả tiêu dùng đã tăng lên 6,12% từ Tháng 6/2021 – 6/2022, đây là mức tăng cao nhất từ Tháng 6/2001.
  • Trong Quý II/2022, các yếu tố chính khiến giá cả tăng cao là chi phí đối với xây dựng nhà ở, đồ nội thất và nhiên liệu
  • Ngày 03/8/2022, lãi suất tiền mặt đã tăng thêm 0,5%, đạt 1,85%

Sau khi mức thuế 10% được áp dụng đối với hàng hóa và dịch vụ – GST được đưa ra vào ngày 01/7/2000, vào tháng 6/2001, giá cả đã tăng 6,1% so với cùng kỳ năm 2000. Sau 21 năm, mức lạm phát đạt ngưỡng cao nhất, đạt 6,12% kể từ Tháng 6/2021 – Tháng 6/2022.

Bộ trưởng Ngân Khố Úc và nhiều ý kiến khác cảnh báo rằng lạm phát sẽ còn “tồi tệ hơn” trước khi nó có thể “tốt hơn”. Ngân hàng Dự trữ cũng dự báo đỉnh của lạm phát ở mức 7,75% vào cuối năm nay.

Theo Cơ quan thống kê của Úc (ABS), chỉ số giá tiêu dùng đã tăng 1,8% chỉ trong Quý II. Tuy nhiên, nó thấp hơn so với Quý I khi lạm phát ở mức 2,1%.

Theo các chuyên gia kinh tế, lạm phát hiện vẫn chưa đạt đỉnh, nhưng có lẽ cũng đã cận đỉnh và không thể chạm tới ngưỡng lạm phát như ở Mỹ hay Anh hiện nay (mức 9,1% và 9,4% tương ứng).

Giá cả hàng hóa nào tăng cao nhất

Theo Cơ quan thống kê của Úc, giá tăng cao nhất ở các nhóm: mua nhà mới (tăng 5,6%), nhiên liệu (tăng 4,2%), và đồ nội thất (tăng 7%).

Theo trưởng bộ phận số liệu giá cả của ABS, Michelle Marquard: việc thiếu nguồn cung nhà và lao động, chi phí vận chuyển tăng và hoạt động xây dựng tiếp tục ở mức cao sẽ tiếp tục làm cho giá cả của các căn nhà mới tăng cao.

Việc tăng giá thực phẩm và các hàng tạp hóa cũng đã tác động đến từng hộ gia đình. Giá thực phẩm và đồ uống không cồn nói chung tăng 2% so với quý trước và tăng 5,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, mức tăng cao nhất trong năm qua là đồ uống không cồn, tăng 7,9%, trái cây và rau quả tăng 7,3%, thịt và hải sản tăng 6,3%, bánh mỳ và ngũ cốc tăng 6,3%, giá sữa bán lẻ tăng 5,2%.

Các sản phẩm tiêu dùng cho hộ gia đình có mức tăng cao nhất trong nhóm hàng tạp hóa, như giấy vệ sinh hay chất tẩy rửa, tăng đến 10,7%.

Theo cơ quan thống kê Úc, việc tăng giá hàng hóa chiếm đến 79% mức lạm phát trong Quý II. Mặt khác, hầu hết các nhóm dịch vụ có mức tăng giá tương đối, như chi phí y tế tăng 2,4%, bảo hiểm và dịch vụ tài chính tăng 3,4%, chi phí truyền thông không có sự thay đổi.

Do có sự can thiệp của Chính phủ nên giá một số dịch vụ giảm trong Quý II, như chính sách trợ cấp bổ sung cho trẻ em khiến dịch vụ chăm sóc trẻ em giảm 7,3%. Giá vé đi lại trong đô thị giảm 4,4% do có khoảng thời gian đi lại được miễn phí ở Bang NSW và Tasmania.

Điều này có ý nghĩa gì đối với lãi suất?

Theo Angela Jackson của tổ chức Impact Economics, sự suy yếu tương đối của lạm phát trong lĩnh vực dịch vụ là một tin tốt, nó cho thấy hầu hết áp lực lạm phát đến từ các yếu tố nước ngoài. Khi lạm phát do lĩnh vực dịch vụ nghĩa là nó sẽ gắn vào tiền lương và việc cung cấp dịch vụ. Lạm phát do hàng hóa phần lớn được nhập khẩu từ nước ngoài và nguồn cung bị gián đoạn.

Lãi suất tiền mặt của Úc đã tăng thêm 0,5% vào ngày 03/8 vừa qua, đạt 1,85%, đây là lần tăng lãi suất thứ 4 liên tiếp trong 4 tháng qua của Úc. Theo dự báo, lãi suất sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới cho đến cuối năm nay.

Thương vụ Việt Nam tại Úc tổng hợp từ nguồn: https://www.abc.net.au

NO COMMENTS